Phòng tránh bệnh viêm lợi khi mang thai
Trong thời kỳ thai nghén, phụ nữ cũng dễ bị những bệnh liên quan đến răng miệng, trong đó có bệnh viêm lợi. Do vậy, phòng tránh bệnh viêm lợi khi mang thai là điều cần thiết trước khi phụ nữ dự kiến có em bé
Vi khuẩn trú ẩn ở mảng bám răng gây ra bệnh viêm lợi
Những người mang bầu có nguy cơ viêm lợi cao hơn bình thường. Bệnh thường thấy rõ từ tháng thứ hai, tăng nặng nhất vào tháng thứ tám và có thể kéo dài tới 6 tháng sau khi sinh.
Thủ phạm gây viêm lợi là vi khuẩn trong mảng bám răng – một màng mỏng, mềm, dính vào bề mặt răng, thành phần gồm có vi khuẩn, chất nhày dính và vụn thức ăn. Hai giờ sau khi chải răng, một lớp chất nhày có nguồn gốc từ nước bọt bắt đầu dính lên mặt răng và ngay lập tức, vi khuẩn cùng vụn thức ăn sẽ bám lên tạo thành mảng.
Viêm lợi có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào và bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên, ở những người suy kiệt, người bị suy giảm miễn dịch, người bị bệnh tiểu đường, phụ nữ đang mang thai có nguy cơ bị viêm lợi cao hơn.
Trong thời kỳ mang thai có sự tăng các hoóc môn làm tăng mức nhạy cảm của hệ thống miễn dịch tại chỗ của lợi đối với vi khuẩn trong mảng bám răng. Viêm lợi thường thấy rõ từ tháng thứ 2, tăng nặng nhất vào tháng thứ 8 và có thể kéo dài tới 6 tháng sau khi sinh. Mức độ nặng hay nhẹ phụ thuộc vào tình trạng lợi trước khi mang thai. Nhiều phụ nữ đã sinh đẻ cho rằng, viêm lợi khi mang thai là chuyện đương nhiên nhưng không phải như vậy; nếu răng luôn luôn được làm sạch mảng bám thì sẽ không bị viêm lợi.
Phòng tránh bệnh viêm lợi khi mang thai
Nên khám nha khoa định kỳ mỗi năm kể cả lúc bạn chưa có thai, vì viêm lợi là chứng bệnh thường gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Trước khi có kế hoạch mang thai, bạn nên đi khám sức khỏe tổng quát, nhất là sức khỏe răng lợi để bác sĩ chữa trị dứt điểm việc viêm lợi (nếu có) của bạn. Nên đánh răng tối thiểu 2 lần/ngày, sáng sớm khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Sử dụng bàn chải mềm, chất liệu tốt để không gây tổn thương cho lợi. Có thể sử dụng thêm nước súc miệng và chỉ nha khoa để vệ sinh răng miệng mỗi ngày. Thay mới bàn chải sau mỗi lần bạn bị ốm: virus có thể cư trú trong bàn chải khi bạn bị ốm và khiến lợi bạn bị viêm sưng sau đó.
Ăn sữa chua và các loại thực phẩm giàu acid lactic có thể ngăn ngừa được chứng viêm lợi. Tuy nhiên, các loại sữa và phomai thông thường lại không có khả năng phòng ngừa được chứng bệnh này. Không nên đánh răng trong vòng 30 phút sau khi bị nôn, do các acid từ dạ dày lúc này có thể bám vào bàn chải và ăn mòn men răng khi bạn đánh răng trong những lần tiếp theo. Nếu phải đánh răng ngay trong trường hợp này, tốt nhất bạn nên thay mới bàn chải cho lần đánh răng sau.
Nên súc miệng bằng nước muối pha loãng hay nước súc miệng chứa fluor để làm mát và bảo vệ men răng sau khi bạn bị nôn.
Chăm sóc răng miệng ở phụ nữ mang thai
Đây chính là sự biến đổi về răng lợi do có thai gây nên. Ngoài ra, bệnh này còn có thể do các nguyên nhân như không chú ý vệ sinh khoang miệng, thức ăn tích đọng lại tạo thành mảng bám trên răng, vi khuẩn trong mảng bám răng gây nên viêm lợi; hàm răng không ngay ngắn thẳng hàng đều đặn; hô hấp bằng mồm…
Viêm răng lợi thời kỳ mang thai có hai đặc điểm: Một là tình trạng viêm ngày một nặng hơn cùng với sự tiến triển của thai kỳ. Hai là sau khi sinh, nhau thai bong ra, mức estrogen và progestin hạ thấp, tình trạng viêm nói chung sẽ dần dần tự tiêu tan.
Để phòng và chữa viêm lợi cần đặc biệt chú ý vệ sinh răng miệng, nhất là sau khi ăn bằng cách đánh răng. Bạn nên chọn loại bàn chải mềm, chải răng theo chiều từ chân răng dọc theo kẽ răng, chải nhẹ nhàng để không làm xước lợi, không để bã thức ăn và bựa răng giắt vào kẽ răng. Các bã thức ăn còn để lại trong kẽ răng sẽ lên men và sản sinh ra acid có lợi cho sự sinh trưởng của vi khuẩn. Sau khi vi khuẩn bám vào mặt răng, hình thành các đốm vi khuẩn phá hoại thượng bì của lợi răng làm viêm lợi nặng thêm và có thể gây xuất huyết răng lợi, đồng thời ăn mòn răng dẫn tới sâu răng. Nếu chải bằng bàn chải không làm sạch đước các kẽ răng có thể dùng chỉ nha khoa theo cách sau: lấy một đoạn chỉ nha khoa dài khoảng 40cm, quấn chặt hai đầu chỉ vào hai ngón tay giữa cho tới khi hai ngón tay cách nhau khoảng 10cm. Dùng đầu ngón trỏ tỳ vào sợi chỉ và đưa tới khe răng còn giắt thức ăn, nhẹ nhàng ấn sợi chỉ vào kẽ răng rồi kéo ngang 1cm. Lấy sợi chỉ ra, thức ăn sẽ ra theo sợi chỉ.
Ngoài ra cần chú ý chọn ăn những thức ăn mềm, thức ăn đã được nấu nhừ, ít phải nhai nhiều để tránh tổn thương răng lợi và giúp dễ tiêu hóa. Nên ăn nhiều trái cây và rau xanh tươi giàu vitamin C, hoặc uống bổ sung vitamin C để hạ thấp tính thông thấu của thành huyết quản mao dẫn.